NHỮNG BÀI GIÁO HUẤN VỀ ĐỨC MARIA
Lm Phan Tấn Thành, OP dịch
BÀI 5
ĐỨC MARIA TRONG KINH THÁNH VÀ TRONG SUY TƯ THẦN HỌC
BÀI 5 :
ĐỨC MARIA TRONG CẢM NGHIỆM THIÊNG LIÊNG CỦA HỘI THÁNH
Trong bài trước, Đức Thánh Cha trình bày sự tiến triển của đạo lý về Đức Maria trải qua thời đại. Sự tiến triển này không phải chỉ là kết quả của những suy tư thần học, nhưng còn được thúc đẩy bởi lòng đạo đức của các tín hữu. Trong bài hôm nay, Đức Thánh Cha điểm qua vài hình thức tôn kính Mẹ Maria được phát triển qua các thời đại: kinh nguyện, nghệ thuật, linh đạo, thánh điện.
1.- Qua những bài huấn giáo vừa rồi, chúng ta đã theo dõi sự tiến triển của những suy tư của cộng đoàn Kitô hữu từ buổi đầu về khuôn mặt và vai trò của Đức Trinh nữ trong lịch sử cứu độ. Lần này chúng ta sẽ suy nghĩ về cảm nghiệm Hội thánh về Đức Maria.
Sự tiến triển về suy tư thần học về Đức Maria và về lòng tôn kính Đức Trinh nữ dọc theo các thế kỷ đã làm thêm rõ nét khuôn mặt Maria của Hội thánh. Dĩ nhiên Đức Trinh nữ hoàn toàn quy hướng về ĐứcKitô, nền tảng của đức tin và của cảm nghiệm Hội thánh, và dẫn về Đức Kitô. Tuy vậy, vì vâng lệnh Đức Giêsu, Đấng đã dành cho Thân mẫu của mình một vai trò rất đặc biệt trong nhiệm cục cứu độ, các Kitô hữu cũng đã tôn kính, yêu mến và cầu khẩn Đức Maria hết sức đặc biệt và chân tình. Họ đã dành cho Người một vị trí nổi bật trong đức tin và trong lòng đạo, nhận ra nơi Người một con đường ưu tuyển dẫn tới Đức Kitô, Đấng trung gian tuyệt đỉnh.
Do đó chiều kích Maria của Hội thánh đã tạo thành một yếu tố không thể chối được của cảm nghiệm dân Kitô hữu. Chiều kích này được bộc lộ qua nhiều hình thức phát biểu của đời sống các tín hữu, chứng tỏ vị trí mà Đức Maria đã chiếm được trong tâm hồn của họ. Đây không phải là một thứ tình cảm hời hợt, nhưng là một mối dây thân tình sâu đậm và có ý thức, đâm rễ sâu trong đức tin, và thúc đẩy các Kitô hữu hôm qua cũng như hôm nay năng chạy đến cùng Đức Maria, ngõ hầu kết hiệp chặt chẽ hơn với Chúa Kitô.
2.- Từ sau kinh nguyện cổ điển nhất được xuất phát bên Ai cập bởi các cộng đoàn Kitô hữu vào thế kỷ thứ III để khẩn nài “Đức Mẹ Chúa Trời” che chở trong cơn gian nan[2], rất nhiều lời kinh khẩn nài đã được các Kitô hữu dâng lên Đấng mà họ tin là rất quyền thế để chuyển cầu với Chúa.
Ngày nay, kinh nguyện phổ thông hơn cả là kinh Kính mừng Maria, với phần thứ nhất gồm bởi những lời trích từ Phúc âm(xc. Lc 1, 28.42). Các Kitô hữu đã được dạy để đọc kinh này ở trong nhà, ngay từ thuở ấu thơ, và ra như đón nhận một món quà quí báu cần phải gìn giữ suốt đời. Kinh Kính mừng được lặp đi lặp lại nhiều lần trong kinh Mân côi, giúp cho nhiều tín hữu đi vào việc cầu nguyện chiêm niệm các mầu nhiệm Phúc âm, và hàn huyên thân mật với Thân mẫu Đức Giêsu. Ngay từ thời Trung cổ, kinh Kính mừng là kinh nguyện phổ thông nhất của hết mọi tín hữu kêu xin Đức Thánh Mẫu đồng hành và chở che họ trong cuôc sống hàng ngày (xc. tông huấn Marialis cultus, số 42-55).
Ngoài ra, các Kitô hữu còn bày tỏ lòng mộ mến Đức Maria bằng cách gia tăng những hình thức tôn kính khác: các thánh thi, các kinh nguyện, các bài thơ, dù chất phác hay tài nghệ, đều chứa đựng mối tình đối với Người mà Chúa Giêsu trên Thập giá đã ban cho nhân loại làm mẹ. Trong số đó, một vài kinh chẳng hạn như là thánh thi “Akatistos” và kinh “Lạy Nữ Vương” đã ghi dấu sâu đậm trên đời sống Đức tin của các tín hữu[3].
Lòng tôn sùng Đức Maria còn được trau dồi bởi những tác phẩm nghệ thuật bên Đông phương cũng như Tây phương, đưa biết bao thế hệ đến trầm trồ vẻ đẹp tinh thần của Đức Maria. Các họa sĩ, điêu khắc gia, nhạc sĩ và thi sĩ đã để lại nhiều kiệt tác làm nổi bật lên những khía cạnh khác nhau của vẻ cao trọng của Đức Trinh nữ, và giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị của sự đóng góp của Người vào công trình cứu chuộc.
Nghệ thuật Kitô giáo đã nhìn thấy nơi Đức Maria sự thể hiện một nhân loại mới, đáp ứng với dự án của Thiên Chúa, do đó trở thành một dấu chỉ cao vời của niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại.
3.- Những Kitô hữu đã nhận được một ơn gọi tận hiến đặc biệt thì lại càng hiểu rõ sứ điệp đó hơn nữa. Thực vậy, trong các dòng tu, trong các hiệp hội tận hiến, Đức Maria đã được tôn kính một cách đặc biệt. Rất nhiều dòng tu, nhất là các dòng nữ – tuy không phải chỉ có những dòng nữ -, đã lấy một tước hiệu của Đức Maria làm danh xưng. Dù sao, bên trên những hình thức bề ngoài, linh đạo của nhiều dòng tu cũng như của nhiều phong trào – một số không nhỏ mang tính cách Maria -, đã nêu bật mối dây liên hệ đặc biệt đối với Đức Maria, nhằm bảo đảm cho đặc sủng được sống trung thực và toàn vẹn.
Sự quy hướng về Đức Maria trong cuộc đời của những kẻ được Chúa Thánh Thần ưu tuyển cũng đã phát triển chiều kích huyền nhiệm, cho thấy rằng người Kitô hữu có thể cảm nghiệm được một cách sâu đậm sự can thiệp của Đức Maria.
Sự quy hướng về Đức Maria đã liên kết không những là những Kitô hữu đã dấn thân phục vụ Chúa, mà cả những tín hữu với lòng tin chất phác và thậm chí những người “xa đạo”; đối với những người này đôi khi lòng tôn kính Đức Maria là mối dây duy nhất còn ràng buộc họ với Hội thánh. Một dấu chỉ biểu lộ tâm tình chung của các tín hữu đối với Đức Maria là những cuộc hành hương về các thánh điện kính Đức Maria, thu hút rất nhiều đoàn tín hữu lũ lượt quanh năm. Một vài đền thánh kính Đức Mẹ rất lừng danh, tựa như Lourdes, Fatima, Lorêtô, Pompêi, Guađalupê, Czestochowa. Còn biết bao nhiêu thánh điện khác chỉ được biết trong một quốc gia hay một địa phương. Trong tất cả các thánh điện ấy, việc kính nhớ Đức Maria thường được gắn liền với một vài biến cố mà Mẹ đã cứu giúp trong quá khứ, bày tỏ tình âu yếm của Mẹ và mở rộng tâm hồn đón nhận ơn thánh Chúa.
Những địa điểm cầu khấn Đức Maria là những bằng chứng của tình Chúa lân tuất đã đến với con người nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria. Những phép lạ chữa bệnh, ăn năn hối cải, là những dấu chỉ tỏ tường của việc Đức Maria tiếp tục, cùng với Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần, công tác của một bà mẹ nâng đỡ dìu dắt.
4.- Các đền Thánh mẫu thường trở thành những trung tâm truyền giảng Tin mừng: thực vậy, ngay trong Hội thánh thời nay cũng như trong cộng đoàn đón chờ lễ Ngũ tuần, lời cầu kinh cùng với Đức Maria đã thúc đẩy nhiều Kitô hữu đi hoạt động tông đồ và phục vụ anh chị em. Ở đây tôi muốn đặc biệt nhắc tới ảnh hưởng của lòng tôn kính Đức Maria đối với việc thực hành bác ái và những công cuộc từ thiện. Được khuyến khích do sự hiện diện của Đức Maria, các tín hữu thường cảm thấy nhu cầu muốn dấn thân phục vụ những người nghèo, những người bất hạnh, những người bệnh tật, hầu có thể trở nên đối với những người bần đinh đó dấu hiệu của sự che chở hiền mẫu của Đức Trinh nữ , một bức hình sống động của lòng Cha lân tuất.
Qua những điều vừa nói trên đây, chúng ta thấy chiều kích Maria đã thông qua tất cả mọi sinh hoạt của Hội thánh. Khi quy hướng về Mẹ Maria, thì việc loan truyền Lời Chúa, Phụng vụ, những hình thức biểu lộ đức ái và lòng đạo đức đều tìm thấy cơ hội để được bồi dưỡng và canh tân.
Dân Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của các vị Chủ chăn, được mời gọi hãy biết phân định qua sự kiện này tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy lòng tin Kitô giáo trên con đường khám phá ra dung nhan của Đức Maria. Chính Chúa Thánh Thần đã thực hiện những điều kỳ diệu tại những nơi tôn kính Đức Maria. Chính Chúa Thánh Thần khi thúc đẩy Dân Chúa tìm hiểu và yêu mến Đức Maria, thì đang hướng dẫn các tín hữu tìm đến trường của Đức Trinh nữ của kinh Magnificat, ngõ hầu biết tìm đọc những dấu chỉ của Thiên Chúa ở trong lịch sử, và thủ đắc được đức khôn ngoan giúp mỗi người trở thành kẻ kiến tạo một nhân loại mới.